Bài viết 1
Lượt xem 1715


  • #1

    Author: keocoi2508

    Rating: K

    Pairing: Vinh - Minh

    Category: Tình cảm

    Status: Complete

    Note: Truyện này tớ viết lâu rồi, và một mùa xuân trời còn se se lạnh, chứ không nóng như bây giờ. Hình như cũng đăng trên kst, với tên là Câu chuyện mùa xuân gì đó. Lần này đăng lại, đổi tên thành "Lắng nghe mùa xuân về" :)) Rất mong được mọi người ủng hộ và Chúc mừng năm mới tất cả :D

    Minh và Vinh không phải là nhân vật thực, nếu có sự trùng hợp trong thực tế, đó là ngẫu nhiên.

    ~~~~~

    - Chị cho thịt vào đi chị! – Linh chỉ ngón tay bé xíu của mình vào khuôn bánh, lúc chị cô bé đang cẩn thận diệm cho chặt gạo và đậu vào các góc.

    - Từ từ đã nào, phải làm các góc thật chặt, thì đến khi luộc bánh mới không bị phòi ra ngoài chứ! – Minh chậm rãi giải thích cho cô em họ nhỏ xíu của mình, tay với miếng thịt ba chỉ to bằng ba ngón tay, bỏ vào giữa.

    - Gói xong bánh to, chị gói bánh cóc nhé! – Việt đang ngồi cắt lá, cũng nói chen vào, đôi mắt nhìn chị Minh háo hức.

    - Ừa. Cứ cắt lá cẩn thận vào, rồi chị sẽ gói cho mỗi đứa một cái bánh cóc thật là to.

    - Bánh cóc mà chị còn đòi to, hay chửa – Công, cậu em họ kém Minh hai tuổi, vừa buộc dây lạt vào bánh, vừa nói.

    - Ờ nhỉ, chị nhầm.

    Minh là chị lớn, chỉ sau anh trai ruột của mình. Ông bà ngoại ngày xưa có được 5 người con, thì mẹ Minh là chị cả, rồi đến một dì nữa, hai cậu, rồi một dì út. Giờ mọi người đã có gia đình cả, dì hai của Minh có hai người con nữa, nhưng lớn hơn Minh, và đã đi làm. Nhưng dù có lớn hơn Minh, họ vẫn phải gọi Minh là chị, theo thứ bậc trong nhà.

    Ông ngoại Minh có đến 9 đứa cháu. Nhưng Minh ở xa nhất. Vì bố mẹ Minh ra công tác ở Hà Nội, nên Minh và anh trai phải đi theo. Ông thương Minh lắm, lúc nào cũng bảo, khổ thân, ở xa quá, chẳng mấy khi được ông quan tâm. Thế nên, mỗi lần về hè, về Tết, ông lại cho Minh rất nhiều quà. Giờ Minh đã lớn, ông không phải cho quà dỗ dành nữa, thay vào đó là những lời răn dạy, phải sống sao cho tốt, cho có ích. Chẳng bao giờ Minh nghĩ những lời đó là thừa, và những lúc được ngồi với ông như vậy, Minh nghĩ mình thật may mắn.

    Tết năm nào cũng thế, bố mẹ cho Minh về trước từ 27, 28 Tết. Những lúc đấy, nhà ông như có hội. Bọn trẻ con tập trung hết ở nhà ông, ăn trưa xong là mỗi đứa một việc, đứa bé thì rửa lá, đứa lớn thì vo gạo, đãi đậu, đứa lớn hơn thì thái thịt, rồi đồ đậu, nắm thành từng nắm một, để đến tối gói bánh chưng. Trông đứa nào cũng háo hức. Có đứa còn lon ton chạy về nhà, xin mẹ cả rổ khoai lang sống, để đến đêm vừa trông bánh chưng, vừa lùi khoai nữa.

    Minh sống ở Hà Nội từ nhỏ. Ở Hà Nội cái gì cũng có, chỉ cần ra chợ và mua là xong. Nhưng năm nào bố mẹ Minh cũng gói bánh chưng, để có tý không khí, bố Minh bảo vậy. Vậy là, dưới sự chỉ dẫn của bố, cùng cái khuôn gỗ mẹ tặng, Minh đã có thể gói được những cái bánh chưng vuông vức. Bánh thắp hương thì Minh gói bằng khuôn, còn bánh cóc thì Minh gói bộ, là gói tay ấy. Bố Minh khéo tay lắm, dù gói bộ, nhưng chiếc nào bố gói cũng vuông vức, chưa luộc mà nhìn đã thèm rồi.

    Biết gói bánh rồi, nên Minh thành thầy dạy cho những đứa em họ. Minh luôn nghĩ, Tết sẽ thực sự buồn và thiếu ý nghĩa, nếu không có việc gói bánh chưng, và trông bánh chưng.

    Hà Nội đêm ơi, những vì sao lấp lánh trời cao, mắt nhìn nhau chưa nói một câu, phút xa em mùa đông bắt đầu…

    - Chị Minh ơi, điện thoại này – Linh chạy lại, đưa chiếc điện thoại cho Minh – Anh Vinh…

    Minh nhận cái điện thoại, vội vàng nghe máy. Vinh là bạn thân của Minh, nhưng đã chuyển vào Nam học đại học. Bỗng dưng lại gọi cho Minh, chẳng lẽ…

    - Minh à… - Giọng Vinh run run trong điện thoại.

    - Vinh, sao vậy? – Minh hỏi, trong bụng cũng run chẳng kém gì giọng của Vinh hết.

    - Tớ về rồi,… Hà Nội lạnh quá, Minh ơi! – Tiếng Vinh rộn lên, vui vẻ, nhưng vẫn chưa hết run, chẳng lẽ vì lạnh?

    - Đang ở đâu đấy? Sao giọng cậu run thế?

    - Ở sân bay, đang chờ bố mẹ ra đón. Hic, sao lạnh thế?

    - Đang có đợt không khí lạnh tăng cường mà, có nhắn hai bác mang áo ra chưa?

    - Rồi, nhưng vẫn đang ngồi co ro này. Minh đang làm gì đấy?

    - Đang ở nhà ông ngoại. Gói bánh.

    Nhà ông ngoại Minh là giấc mơ đậm chất cổ tích với Vinh. Vinh là dân Hà Nội gốc 3 đời. Nhà Vinh rộng, nhưng không có sân, vườn như nhà ông ngoại Minh. Năm trước, thi đại học xong, Vinh nài nỉ mãi, Minh mới dẫn Vinh về nhà ông chơi. Khu vườn nhà ông đầy cây ăn trái, tiếng chim xen lẫn tiếng ve hấp dẫn Vinh đến nỗi gần ngày nhập học rồi, Vinh vẫn chưa muốn lên Hà Nội làm thủ tục. Vậy nên, nghe nói Minh ở nhà ông ngoại gói bánh, tự dưng Vinh thấy ghen tị quá.

    - Sao chẳng đợi tớ về rồi hẵng về nhà ông? – Giọng cậu đa

    - Ai biết cậu về lúc nào? Đấy, cho đáng đời cái tội im ỉm. – Minh dài giọng chế nhạo.

    - Được lắm, nhớ đấy. – Vinh lầu bầu – À, mai đã lên chưa?

    - Ừ, sáng mai là phải lên Hà Nội rồi, lên còn gói bánh cho nhà nữa.

    Mắt Vinh sáng rực, đầy… âm mưu, giọng cậu nói như reo:

    - Vậy mai đi mua đào với tớ nhé!

    - Ơ, sáng mai mới lên, phải rửa lá, ngâm gạo nữa chứ!

    - Mấy giờ?

    - Sớm thì cũng phải 10 giờ mới lên đến nơi.

    - Được rồi. Cứ thế đi, thế nhé!

    - Ơ ơ… - Minh đang ú ớ, thì cậu bạn tinh nghịch đã gác máy. Tính cách nghịch ngợm, cổ quái của Vinh luôn làm Minh phải đau đầu. Nhưng chẳng phải, cũng vì tính cách gần giống nhau, mà hai đứa mới chơi thân với nhau đến thế sao.

    Minh quay lại với nồi bánh chưng đang chuẩn bị sôi. Lũ em họ đang bàn tán sôi nổi về những cái bánh chưng cóc mà Minh gói, cái nào méo, cái nào hình chữ nhật, cái nào vuông… Ông đã rải một lớp rơm dày, rồi rải thêm một cái chiếu lên trên cho chị em Minh ngồi. Cơn gió lành lạnh thổi qua sân, làm đứa nào đứa nấy rùng mình, kéo sát cái chăn mỏng lấy trong nhà sát vào mình hơn. Gió mùa xuân đấy mà, không lạnh lắm đâu. Minh mỉm cười.

    Vất vả lắm cả nhà mới khuân được hết những trong cốp xe từ đầu ngõ vào đến tận trong nhà. Nhẽ ra còn phải đỗ ở một đoạn xa nữa, nhưng chú lái xe bảo đường cũng vắng, nên đưa cả nhà vào gần luôn. Cả cốp xe đầy những đồ dùng Tết, nào gà, nào gạo, nào gấc, cả mấy cái giò, rồi rau củ, cậu mợ, chú thím cứ dúm vào, bảo là “xe chở chứ mình có phải vác đâu mà…”. Nằm vật ra giường, Minh nhắm mắt thở hồng hộc, cái giá phải trả cho việc làm cửu vạn bất đắc dĩ vào những ngày Tết. Nhưng nếu so với phải đi mua sắm trong siêu thị, thì Minh thích khuân đồ hơn. Giật mình nhìn đồng hồ, 10 rưỡi.

    “Chết thật, không biết tên trời đánh kia có mò đến không đây, bao nhiêu việc thế này.” Minh lẩm bẩm, rồi bật dậy, thay đồ chuẩn bị giở đám lá dong mẹ mua hôm trước ra mang đi rửa.

    Mẹ Minh vẫn đang loay hoay với đám đồ mới mang lên. Gà nhốt vào lồng, sẽ làm thịt bỏ tủ lạnh sau cùng. Thịt bò phải cắt ra thành nhiều tảng nhỏ hơn, bọc giấy cất tủ đá. Thịt lợn thủ cho bố bó giò phải xử lý ngay, xào ngay cho nóng… Giờ mà Minh xớ rớ đến gần thế nào cũng ăn mắng. Vậy nên, cứ yên phận rửa lá, gạo, đậu anh trai Minh đã ngâm từ sớm, còn lá và thịt thôi.

    Nhẩm tính những việc phải làm trong đầu, Minh bắt đầu xả nước vào chiếc chậu lớn. Bổng ngoài cổng có tiếng xe, rồi chuông kêu inh ỏi.

    “Tiêu rồi, “hắn” đến thật” – Minh chép miệng, nhưng rồi lại nghĩ – Không sao, bắt nó rửa lá với mình, xong việc mới đi. – nghĩ đến đấy, miệng Minh toét ra cười, một cách đầy … âm mưu.

    - Vinh về đấy à? Về lâu chưa cháu? – mẹ Minh ra mở cửa đã vồn vã hỏi. Bà chẳng lạ gì thằng bạn nối khố của con gái mình. Nhiều khi bà thầm mong nó sẽ là con rể của bà, ấy vậy mà hai đứa cứ tưng tửng, chẳng bao giờ có biểu hiện “đáng nghi” nào.

    - Cháu mới về tối qua bác ạ. – Vinh toe toét cười – Minh đâu rồi ạ?

    - Đang rửa lá ngoài bể, vào đi.

    Vinh nhét vội cái xe vào khoảng sân chật hẹp nhà Minh, tự nhiên bước vào như nhà mình. Cậu đã quen thuộc với ngôi nhà nhỏ này gần năm năm rồi chứ ít ỏi gì. Những ngày xa nhà, ngoài bố mẹ ra, trong giấc mơ của Vinh còn có ngôi nhà này và khuôn mặt của Minh ngập đầy anh nắng bên khung cửa sổ.

    - Hù!

    Minh nấp sau cánh cửa, nghe thấy bước chân Vinh liền nhảy ra “hù” lớn. Tiếng hù chẳng làm Vinh giật mình, mặt cậu giãn ra một chút.

    - Này thì hù này – Vinh đưa cả hai tay béo lấy hai má của Minh – Đón bạn kiểu đấy hả?

    - He he… - Minh nhe răng cười – Vào đây, tháo tất ra đi, xong đi rửa lá với tớ.

    - Ơ…

    - Ơ gì mà ơ? Cậu tưởng tớ rảnh hả? Hôm qua đã nói thế rồi còn gì?

    - Tớ tưởng đùa.

    - Thôi không nói nữa, đi rửa lá, nhanh!

    - Bóc lột sức lao động! – Vinh la oai oái, nhưng vẫn làm theo cô bạn, lẽo đẽo theo Minh ra bể nước.

    Ba bó lá dong lớn dựng trong một thùng sơn đã được xả đầy nước. Lá dong tươi mơn mởn, xanh như những phiến ngọc sẫm màu, nhìn thật thích mắt. Vinh mỉm cười, chẳng phải Tết năm ngoái, năm kia, năm kìa, Vinh cũng đều phải rửa lá cùng Minh sao? Vinh còn biết, Minh có thói quen vừa rửa lá vừa nghêu ngao hát. Đấy là những khi Minh rửa lá một mình thôi. Còn nếu có Vinh, hai đứa sẽ nói những chuyện trên trời dưới đất…

    - Năm rồi cậu thế nào? – Vinh hỏi, khi hai tay đã nhúng vào chậu nước lạnh ngắt, nhanh nhẹn đón những tấm lá từ tay Minh.

    - Chẳng thế nào cả - Minh giả vờ thở dài – Thấy tủi thân, vì có người chẳng thèm viết thư, nick cũng tắt im ỉm, điện thoại không thèm gọi, nhắn tin thì hoạ hoằn lắm mới nhắn lại….

    - Ầy, phải chăm chỉ chứ! – Vinh thanh minh. – Tớ đây bận bịu lắm ý. Đi học này, vào trong đấy cũng phải đi làm thêm này, chi tiêu đắt đỏ lắm.

    - Đùa thôi – Minh cười – Chẳng nhẽ cậu không nhớ, hồi cậu đi, hai đứa mình đã hứa là không liên lạc, để khi nào cậu về Hà Nội mới nhiều chuyện để kể à?

    - Ừ, nhớ - Vinh đáp – Nhưng thật là khó, mấy lần nhấc điện thoại, tính gọi cho Minh, kiềm chế lắm đấy! Vắng cậu, thật khó sống.

    - Ha ha… - Minh cười trừ, chợt thấy má mình nong nóng.

    Hà Nội mùa này hay có mưa phùn. Đầu xuân rồi, những trận mưa phùn cũng không còn dày hạt và lạnh lẽo như hồi giữa mùa đông nữa, mà chỉ lành lạnh, lất phất, chẳng đủ làm ướt áo người đi đường. Chiều 28 Tết này cũng thế, khi Minh ngồi sau xe Vinh chở đi mua đào. Mưa làm ướt đường, lép nhép nước. Dù đường xa, hay mưa ướt nhẹp, nhưng hai đứa vẫn quyết dắt nhau xuống tận chợ hoa Quảng Bá. Chẳng thể đi xe vào chợ, Vinh gửi xe ở gần đó, rồi cùng Minh hoà lẫn vào dòng người đi xem hoa. Mưa vẫn lất phất bay. Hai bên đường, người ta bày đầy những cành đào đủ loại. Đào bích mầu hồng sẫm sặc sỡ, đào phai e ấp màu hồng phấn. Những cành đào đầy nụ mập mạp. Người ta bảo năm nay rét đậm, khéo mất mùa đào, vậy mà Minh thấy, những cành đào khẳng khiu vẫn cho ra những mầm nụ xinh xắn, mập mạp, tràn đầy nhựa sống.

    - Này, trong Sài Gòn, những ngày sắp về, biết tớ hay lẩm bẩm câu gì nhất không?

    - “Anh hiểu sức vươn của những cành đào, trong giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết”… - Minh đáp luôn, không cần suy nghĩ.

    - Oa, trình độ hiểu tớ của Minh đã đạt level cao nhất rồi đấy! – Vinh nhìn bạn thán phục.

    - He he, chẳng qua là tớ tiện miệng, nghĩ đến cái gì, nói cái nấy thôi! – Minh vẩy tay – Ơ, cành này…

    Cành đào bích trong Minh đón từ tay chú bán đào nhìn thật là thích. Những cành nhỏ vươn lên khoẻ khoắn, nụ mập mạp, phủ ngoài bằng một lớp bọc trắng như phấn, điểm những mầm lá xanh mơn mởn. Khuôn mặt Minh rạng rỡ, như tìm được một vật báu. Vinh chợt nghĩ, giá như lưu lại mãi được khoảnh khắc này.

    - Được đấy, thẩm mĩ không tồi – Dù nghĩ một đằng, nhưng Vinh vẫn nói một nẻo.

    - Quá đẹp ấy chứ! – Minh hoan hỉ cầm cành đào giơ lên ngắm nghía, sau khi đã ngã giá thành công với chú bán hàng. – Bố tớ bảo, ai chọn được đào đẹp, nhất định năm nay có số đào hoa, không chừng…

    - Không chừng cái gì, đừng có mà léng phéng, học hành chăm chỉ đi! – Vinh nhăn mặt.

    - Biết rồi, biết rồi mà! Cậu cũng chọn đào đi! Xong mình đi mua hoa khác nhé!

    Vinh chẳng phải nghĩ, nếu Minh có bạn trai, hay bất cứ người nào có ý đồ gì với Minh, thì Vinh sẽ làm gì, vì Vinh biết mình phải làm gì chứ! Chắc chắn là đá đít những tên đó rồi. Nhất định, Tết này…

    Nhưng tốt nhất là không nên vừa đi vừa nghĩ như thế, bởi sẽ mất dấu Minh ngay lập tức. Chợ hoa đông đúc, người chen người, cành chen cành. Một quãng dài người ta bày bán những loại hoa đủ màu sắc. Cúc vàng, cúc tía, hoa hồng, hoa thược dược, lay ơn, ly ly… Biết bao nhiêu loài hoa, hoa nào cũng sặc sỡ, hấp dẫn. Lúc Vinh nhìn ra, thì Minh đã chọn được một bó đủ những loại hoa rồi.

    - Mang về cắm cho sáng nhà.

    - Ừ. Tớ định mua một bó lay ơn đỏ, cắm vào cái lọ cao cổ mẹ tớ mới được tặng – Vinh ngắm nghía xô lay ơn cạnh đó.

    - Hi hi, con trai cưng yêu mẹ thế - Minh trêu.

    Vinh cười. Cậu luôn có thói quen nghĩ đến những sở thích của mẹ. Vinh là con một, lại có chút giống mẹ hơn giống bố, nên gần gũi với mẹ hơn. Bố mẹ Vinh đều là những người luôn bận rộn, thế nên, ngày chưa đi học xa, Vinh luôn là đứa con trai ngoan, ít khi đi chơi muộn, và thường về nhà sớm nấu cơm cho bố mẹ rồi đi đâu mới đi. Những điểm này làm Minh thấy gần với Vinh hơn hắn. Minh cảm nhận được sự chu đáo của Vinh. Minh cảm thấy lúc nào cũng an toàn khi ở gần Vinh. Nhưng chẳng khi nào, Minh gọi tên được cảm giác ấy.

    - Vinh này… - Vừa ôm hai cành đào, Minh vừa thủ thỉ sau lưng Vinh.

    - Hửm?

    - Cậu có nghĩ, sau này, rất lâu sau này nữa, Tết sẽ không còn như bây giờ nữa không?

    - Có chứ? Tết bây giờ, và Tết ngày xưa đã khác nhau rất nhiều rồi. Ngày xưa người ta thường cầu kì trong mua sắm Tết hơn, chuẩn bị nhiều và lâu hơn, ví như nhà nào cũng phải bó gió này, gói bánh này, muối hành này… Bây giờ, chỉ cần ra chợ đặt, mua, là cái gì cũng có. Sau này, khi cuộc sống ngày càng giàu có hơn, thì những việc như thế này, khéo còn được giản tiện nữa…

    - Vậy nhà tớ thành ra cầu kì quá thể à?

    - Với người ngoài nhìn vào thì thế, nhưng với tớ thì không.

    - Thế hả?

    - Tớ không biết vì sao, nhưng mỗi khi nhìn nhà cậu chuẩn bị cho Tết, tớ cảm thấy có gì đó rất thiêng liêng, và đột nhiên trở nên thành kính.

    - Ha ha, nghe cứ như một giáo phái nào ấy nhỉ. Chỉ đơn giản là, sau khi chuẩn bị một cái Tết đầy đủ, chúng ta sẽ thong thả thưởng thức nó thôi mà. Bây giờ đã giản đơn hơn nhiều rồi, nhưng mỗi dịp Tết về, mẹ tớ vẫn thường kêu vất vả. Vậy mà vẫn cố chuẩn bị hết những gì mẹ cho là cần thiết, nào nấm, nào măng, nào xương, thịt, cá, bánh kẹo, đồ cúng lễ, rồi dọn dẹp nhà cửa, bó gió, gói bánh,.. đủ thứ việc. Đó đã trở thành thói quen, mà nếu thiếu một trong những thức đó, Tết của nhà tớ sẽ không còn được trọn vẹn nữa.

    - Ừm. Có lẽ vì thế mà Minh có chút gì rất truyền thống đấy. – Vinh gật gù.

    - Như thế có phải là không tốt không?

    - Không, không hề - Vinh vội vã nói, như nghe trong giọng cô bạn có chút gì ưu tư – Là rất tốt chứ. Một người con gái biết chăm lo, vun vén cho gia đình thì còn gì bằng. – Suýt chút nữa thì Vinh buột miệng, nhưng suy nghĩ chỉ dừng lại trong đầu cậu “và tớ rất muốn trở thành một thành viên trong gia đình nhỏ của Minh…”

    - Đùa thôi – Minh chợt cười khúc khích sau lưng Vinh.

    - Lắm trò!

    - Chẳng mấy khi nghe cậu triết lý mà.

    - Hừ.

    - Nhưng Vinh ạ, nếu cậu không về Tết này, chắc tớ buồn chết mất.

    - Tớ phải về chứ. Tết là lúc người ta đoàn viên cùng gia đình, cùng bạn bè mà. Mà tớ cũng biết là nếu không về thì cậu sẽ nhớ tớ muốn chết, he he – Vinh cười.

    Mưa phùn vẫn rơi, ướt đẫm vai áo hai đứa. Đường phố đã sáng đèn, lung linh màu sắc, và mờ ảo trong làn mưa. Người người vẫn đi lại, bán buôn vội vã, giống như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy, họ phải nhanh chóng chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết đáng hài lòng nhất. Sự vất vả những ngày cuối năm sẽ được đền bù bằng những ngày nghỉ đón năm mới.

    Đêm 30 Tết năm nay ấm hơn những năm trước. Trời không có mưa phùn, điều kiện thật tuyệt để đi xem pháo hoa. Nhưng Minh cảm thấy thích mưa phùn hơn. Đêm 30 năm nào Minh cũng cùng bố và anh đi dạo, xem pháo hoa, mua cành lộc rồi về xông nhà luôn. Mẹ sẽ đón ba bố con ở nhà, nhận những lời chúc an lành, và mừng tuổi cho hai anh em bằng những phong bao màu đỏ của ngày Tết. Nếu có mưa, Minh có cảm giác thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới thật rõ ràng, giống như khi màn đêm đen đặc được chiếu sáng bởi những tia nắng ấm áp vậy.

    Năm nay có chút khác biệt. Vinh cũng sẽ đi đón giao thừa cùng Minh, sau đó sẽ xông nhà cho nhà Minh, rồi hai đứa lại kéo nhau về nhà Vinh xông nhà.

    Phải khó khăn lắm, Vinh mới mở miệng đề nghị như vậy được. Dù thân thiết, nhưng năm nào cũng phải mùng 3, mùng 4 Vinh mới ghé qua nhà Minh chúc Tết và kéo Minh ra khỏi chăn ấm đệm êm để đi chơi cùng đám bạn. Năm nay khác rồi. Một năm xa nhà, xa bố mẹ, xa những câu chuyện không đầu không cuối của Minh, xa minh đã làm Vinh hiểu ra một điều thật dễ hiểu, Minh thật quan trọng với Vinh nhường nào.

    - Vinh có chuyện rất quan trọng muốn nói, nó có liên quan đến Minh…

    - Chuyện gì mà quan trọng thế?

    - Phải chờ đến giao thừa mới nói được. Đến lúc đấy nhất định cậu phải gật đầu, đồng ý đấy!

    Minh lắc đầu, không hiểu cậu bạn đang có ý đồ gì. Nhưng đột nhiên cảm thấy buồn buồn. Sắp giao thừa, sắp sang năm mới, và kì nghỉ Tết cũng sắp hết. Vinh lại phải quay vào Nam đi học. Minh cũng sắp bận rộn với lịch trình của mình. Vinh và Minh, xa nhau thêm một năm nữa sao?

    Đôi khi Vinh đắn đo, liệu bây giờ có phải lúc? Hết Tết rồi, Vinh cũng lại đi xa, Minh liệu có đợi được cho đến khi Vinh trở về hẳn? Thế rồi Vinh lại nghĩ, thôi thì cứ bày tỏ tấm lòng của mình, còn đến đâu thì đến.

    Làm xong cơm cúng với mẹ ở nhà, Vinh vội sang nhà Minh ngay. Chỉ còn vài phút nữa thôi, là giao thừa đến rồi. Trời đột nhiên lất phất những hạt mưa bụi, như cảm nhận được sự mong mỏi của Minh. Cửa nhà Minh kia rồi. Giàn hoa giấy ướt đẫm sương và nước mưa, những bông hoa giấy mong manh khẽ lay trong gió, cánh cửa gỗ dẫn vào khoảnh sân nhỏ xíu mở rộng. Và Minh, đang đứng đợi bên hiên nhà…

    Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa

    Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà…

    Trong Vinh chợt ánh lên một niềm lạc quan khó diễn tả. Một mùa xuân mới đang về. Một năm mới đang đến. Và cho dù có khó khăn, có vất vả, nhưng cả Minh và Vinh rồi sẽ vượt qua thôi…

    _ End_



Bài viết 1
Lượt xem 1715